Ngày đăng: 04/04/2024
Tư vấn bởi:
Insulin được biết đến là chất vô cùng quan trọng trong phác đồ điều trị cho người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cơ chế gây hạ đường huyết của insulin như thế nào không phải ai cũng biết. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc đó.
Insulin là gì?
Insulin là một loại hormone từ các tế bào đảo tụy ở tuyến tụy tiết ra. Chúng có tác dụng chuyển hóa các chất carbohydrate trong cơ thể. Insulin còn có tác dụng đến việc chuyển hóa các mô mỡ và gan thành loại năng lượng ATP để cung cấp cho hoạt động của cơ thể.
Insulin được tổng hợp ở tế bào Beta trong đảo tụy bằng sự hoạt động của bộ máy tổng hợp protein trong tế bào. Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ Glucose trong máu.
Mối liên hệ giữa Insulin và bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường xuất hiện là hậu quả của việc cơ thể không còn khả năng sử dụng Insulin một cách hợp lý hoặc không sản xuất đủ lượng cần thiết:
- Bệnh tiểu đường loại 1, thường gặp ở trẻ em, xảy ra khi cơ thể không thể tự sản xuất insulin do tổn thương tế bào beta của tuyến tụy.
- Bệnh tiểu đường loại 2, phổ biến ở người lớn thừa cân, xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng insulin hiệu quả, dẫn đến tình trạng kháng Insulin.
- Bệnh tiểu đường thai kỳ xảy ra ở phụ nữ mang thai có mức insulin bị ảnh hưởng bởi hormone nhau thai đến mức cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả.
Bổ sung insulin là một phần thiết yếu trong quản lý và kiểm soát bệnh tiểu đường đối với nhiều bệnh nhân. Tiêm insulin hoặc các hình thức bổ sung insulin khác có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu và ngăn ngừa các biến chứng của bệnh.
Việc phát hiện ra cơ chế hoạt động insulin và vai trò của nó trong bệnh tiểu đường là một bước đột phá y học, có tầm cỡ đến mức nó đã mang lại giải Nobel cho nhiều nhóm các nhà khoa học.
Vào tháng Giêng năm 1922, cả thế giới phải bất ngờ khi sự nỗ lực của các nhà khoa học đã tạo nên một phép màu cho sự sống của cậu bé 14 tuổi Leonard Thompson, người bị bệnh tiểu đường nặng và đang trong tình trạng nguy kịch, nhờ liều insulin tinh khiết đầu tiên, được chiết xuất từ tuyến tụy của bê.
Năm 1982, con người đã sản xuất thành công insulin người từ vi khuẩn. Tính đến nay insulin đã đi được một chặng đường dài trong hành trình 100 năm của nó, giúp hàng triệu người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.
Đặc tính dược động học của insulin
Insulin nói chung có nhiều dạng, tuy nhiên chúng đều có đặc tính dược động học như sau:
- Thời gian cho tác dụng ngắn, vì vậy để kéo dài hiệu quả, Insulin thường được bào chế dưới dạng phối hợp với kẽm và protamin.
- Thường được tiêm bắp hoặc tiêm dưới da, không uống vì Insulin bị phá huỷ bởi acid dịch vị dạ dày.
- Insulin được chuyển hóa tại gan thành các chất không còn hoạt tính và được thải trừ qua thận.
Cơ chế gây hạ đường huyết của insulin
Insulin gắn với Receptor đặc hiệu ở màng tế bào tạo thành phức hợp Insulin-receptor tác động lên:
- Làm hoạt hoá hệ thống vận chuyển Glucose ở màng tế bào, tăng khả năng vận chuyển Glucose từ ngoài tế bào vào trong tế bào, đặc biệt ở các mô đích như cơ, gan, mô mỡ.
- Tăng hoạt tính của enzyme Glucose kinase.
- Tăng hoạt tính của Glycogen synthetase dẫn đến tăng tổng hợp Glycogen ở gan.
- Ức chế enzyme Glycogen Phosphorylase, giảm phân huỷ glycogen.
- Tăng tổng hợp lipid và protid từ glucid đồng thời giảm phân huỷ lipid và protid.
Các loại Insulin thường gặp
Theo thông tin từ Bộ y tế, cơ chế hạ đường huyết của insulin đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong điều trị bệnh tiểu đường, một căn bệnh mạn tính ngày càng phổ biến. Hiện nay, có 4 loại insulin chính, bao gồm insulin tác dụng nhanh, tác dụng trung bình, tác dụng kéo dài, và insulin hỗn hợp.
- Insulin tác dụng nhanh: Loại insulin này được tiêm trực tiếp dưới da và nhanh chóng chuyển thành các monomer để cơ thể hấp thu. Hiệu quả của thuốc đạt đỉnh sau khoảng 1 giờ. Tuy nhiên, do tác dụng nhanh, người bệnh cần chú ý kiểm soát lượng carbohydrate trong bữa ăn hàng ngày để tránh biến động đường huyết.
- Insulin tác dụng trung bình: Loại này có thời gian tác dụng kéo dài hơn và sau khi được tiêm dưới da 2 – 4 giờ, đạt đỉnh tác dụng sau 6 – 7 giờ và duy trì hiệu quả từ 10 – 20 giờ. Để đảm bảo kiểm soát đường huyết tốt nhất, người bệnh cần tiêm 2 lần mỗi ngày.
- Insulin có tác dụng chậm và kéo dài: Thường được khuyến cáo sử dụng vào buổi tối, loại insulin này mang lại hiệu quả ổn định và kéo dài. Tùy vào tình trạng bệnh và phác đồ điều trị, bác sĩ sẽ kê loại insulin phù hợp với từng bệnh nhân.
- Insulin hỗn hợp: Đây là sự kết hợp giữa insulin tác dụng nhanh và tác dụng kéo dài trong một mũi tiêm, giúp duy trì nồng độ insulin nền trong cơ thể và đáp ứng nhanh với nhu cầu đường huyết.
Những lưu ý khi sử dụng insulin
Dù là loại thuốc đặc biệt quan trọng trong quá trình hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, nhưng khi sử dụng insulin thì người bệnh nên chú ý một số điều quan trọng sau:
- Tuyệt đối không tự ý tiêm insulin nếu chưa có chỉ định từ bác sĩ, vì đây là loại thuốc có khả năng hạ đường huyết rất mạnh.
- Hiện nay, số liều insulin cần sử dụng chưa có giới hạn cụ thể và sẽ được điều chỉnh tùy theo tình trạng bệnh nhân.
- Insulin chỉ được tiêm dưới da tại một số vùng như bụng, cánh tay và đùi. Trong các trường hợp cấp cứu như hôn mê do nhiễm ceton acid, tăng áp lực thẩm thấu hoặc phẫu thuật, insulin có thể được truyền tĩnh mạch.
- Để tăng hiệu quả điều trị, insulin thường được kết hợp với các loại thuốc viên khác theo phác đồ của bác sĩ. Với insulin trộn, người bệnh có thể tiêm hai lần mỗi ngày, thường trước bữa sáng và bữa chiều.
- Việc điều chỉnh phác đồ và liều lượng insulin phải được thực hiện dựa trên thể trạng cụ thể của mỗi bệnh nhân. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý mua thuốc hay dùng đơn thuốc của người khác.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đọc sẽ hiểu hơn về cơ chế gây hạ đường huyết của insulin và tầm quan trọng của nó đối với bệnh nhân đái tháo đường. Xin chào và hẹn gặp lại trong các bài viết bổ ích khác!