Chế độ tập luyện cho người tiểu đường thế nào là phù hợp?

Đánh giá bài viết

Đối với người đái tháo đường, bên cạnh chế độ dinh dưỡng thì chế độ vận động hợp lý cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc kiểm soát hiệu quả đường huyết và giảm thiểu biến chứng. Vậy một chế độ tập luyện cho người tiểu đường thế nào là phù hợp? Người bệnh cần lưu ý điều gì khi luyện tập? Cùng Diasomalt tìm hiểu trong bài viết này nhé!

1. Lợi ích của việc luyện tập thể thao đối với sức khỏe người đái tháo đường

Luyện tập thường xuyên và đúng cách mang lại nhiều lợi ích cho quá trình điều trị và phòng ngừa biến chứng ở người bệnh đái tháo đường. Đây được xem là một phương pháp hỗ trợ điều trị ưu tiên và cần thiết.

Xây dựng chế độ tập luyện cho người tiểu đường một cách hợp lý không chỉ giúp kiểm soát lượng đường trong máu hàng ngày, mà còn có thể duy trì chỉ số đường huyết ở mức bình thường trong một thời gian dài. Hơn nữa, tập luyện còn giúp làm tăng độ nhạy cảm của tế bào với insulin, giúp vận chuyển đường vào sâu trong tế bào, chuyển hóa thành năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Đây là tác dụng cực kỳ quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2. 

Lợi ích của một chế độ tập luyện cho người tiểu đường
Luyện tập thể dục góp phần giúp cuộc sống người bệnh đái tháo đường thoải mái hơn, khỏe mạnh hơn

Ngoài ra, tập thể dục đều đặn có thể còn giảm trung bình 5 – 10mmHg huyết áp tâm thu (huyết áp tối đa) và huyết áp tâm trương (huyết áp tối thiểu) góp phần làm giảm mức A1C. Đây cũng là một biện pháp quan trọng trong việc ngăn ngừa biến chứng đái tháo đường, nhất là nhóm bệnh lý tim mạch như: xơ vữa động mạch, cao huyết áp,…

2. Chế độ tập luyện cho người tiểu đường phù hợp

Theo các bác sĩ chuyên khoa cũng như Hội nội tiết đái tháo đường khuyến nghị, các hoạt động thể chất sẽ mang lại hiệu quả khi đạt được tối thiểu các tiêu chuẩn sau:

– Vận động với cường độ trung bình đến mạnh ít nhất hai tiếng rưỡi mỗi tuần như: đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, bơi lội hoặc chạy bộ.

– Tập thể dục đối kháng từ 2 đến 3 buổi mỗi tuần giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp như các động tác nâng tạ tay hoặc tập chống đẩy.

– Không nên để quá hai ngày liên tiếp mà không có bất kỳ hoạt động thể chất nào.

– Không nên ngồi liên tục quá 30 phút trong một ngày.

– Kết hợp linh hoạt các bài tập với nhau cũng như những thói quen hay sở thích riêng của từng cá nhân để có một chế độ luyện tập phù hợp nhất.

3. Gợi ý một số bộ môn luyện tập phù hợp với người đái tháo đường

Tập thể dục đều đặn mỗi ngày là một phương pháp hỗ trợ điều trị đơn giản, không tốn kém mà còn có thể đem lại hiệu quả cao trong kiểm soát glucose máu, hạn chế các biến chứng tiểu đường. Tuy nhiên, không phải bài tập nào cũng phù hợp trong chế độ tập luyện cho người tiểu đường. Dưới đây là một số bộ môn rèn luyện tốt cho sức khỏe người bệnh.

3.1. Đi bộ

Đi bộ có lẽ là một trong những hoạt động đơn giản được khuyến khích nhiều nhất và dễ nhất đối với những người đái tháo đường tuýp 2. Đi bộ sẽ giúp cơ thể giải phóng năng lượng, nhịp tim tăng. Điều này kích thích quá trình vận chuyển đường từ máu vào tế bào. Đồng thời, giúp hạ chỉ số glucose trong máu và tăng cường độ dẻo dai cho cơ thể. Người bệnh đái tháo đường nên đi bộ 3 lần/tuần để có hiệu quả tốt nhất.

Đi bộ - Một trong những chế độ tập luyện cho người tiểu đường
Đi bộ là một trong những phương pháp rèn luyện sức khỏe đơn giản mà hiệu quả nhất cho người tiểu đường

3.2. Tập dưỡng sinh

Dưỡng sinh là một hình thức luyện tập lý tưởng cho những người mắc bệnh tiểu đường. Bộ môn này có khả năng hạn chế tình trạng gắng sức với một chuỗi các động tác nhịp nhàng, chậm rãi và cực kỳ thoải mái. Tập dưỡng sinh sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ té ngã, giảm căng thẳng và cải thiện sự cân bằng của cơ thể cũng như bảo vệ các dây thần kinh, ngăn ngừa các biến chứng.

3.3. Tập yoga

Yoga là bộ môn tập luyện đã được nhiều nghiên cứu chứng minh có lợi ích đáng kể trong quá trình điều trị bệnh đái tháo đường. Cụ thể, yoga giúp người bệnh giảm mỡ thừa tích tụ và cải thiện tình trạng kháng insulin. Hơn nữa, việc tập luyện này có thể làm giảm cảm giác căng thẳng, lo âu, mệt mỏi. Từ đó, góp phần kiểm soát chỉ số đường huyết và cải thiện chức năng thần kinh ở người bệnh.

Yoga - Một trong những chế độ tập luyện cho người tiểu đường
Tập yoga giúp người đái tháo đường kiểm soát cảm xúc tốt và ngăn ngừa biến chứng thần kinh

3.4. Bơi lội

Bơi lội được xem là bài thể dục lý tưởng của một chế độ luyện tập cho người tiểu đường. Lợi ích nổi bật của bơi lội đó là không gây áp lực lên các khớp xương lớn, điều này rất tốt đối với những người đái tháo đường lớn tuổi. Bơi lội cũng giúp đôi chân được giải phóng và thoải mái hơn so với các bộ môn khác. Để có được lợi ích cao nhất từ ​​bơi lội, người bệnh nên đi bơi ít nhất 3 lần/ tuần trong khoảng 10 phút và tăng dần thời lượng khi đã quen. Chú ý cần có một bữa ăn nhẹ trong thời gian luyện tập.

3.5. Đạp xe 

Đạp xe giúp người tiểu đường lưu thông máu ở chân tốt hơn, bảo vệ đôi chân của người bệnh trước những tác động tiêu cực của đái tháo đường. Bạn có thể đạp xe ngoài trời hoặc đạp xe tại chỗ bằng xe đạp cố định tại nhà. Nếu không muốn bị ảnh hưởng từ yếu tố thời tiết thì một chiếc xe đạp cố định sẽ là một sự lựa chọn phù hợp. Bạn có thể luyện tập bất kể nắng mưa mà không lo bị té ngã hay chấn thương.

4. Lưu ý cho người tiểu đường khi luyện tập thể dục

Mặc dù luyện tập thể chất rất cần thiết đối với sức khỏe người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, việc này cũng có thể gây ra một số rủi ro cho người bệnh. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi người bệnh tiểu đường luyện tập thể dục:

– Nên tập những động tác giãn cơ trước và sau khi tập thể dục để phòng tránh các chấn thương

– Trong cả quá trình luyện tập cần đảm bảo cơ thể đủ nước

– Không cố luyện tập khi thời tiết xấu hay cơ thể không khỏe như: lạnh, sốt, mệt mỏi, thiếu ngủ,…

– Tránh tập thể dục khi đang đói, vào lúc sáng sớm hay đêm khuya

– Cần ngừng luyện tập ngay khi có dấu hiệu của các triệu chứng như: đánh trống ngực, khó thở, chóng mặt, đau đầu, ra mồ hôi lạnh, run rẩy, đau các khớp gối, hông.

Nói chung, rèn luyện thể lực, sức bền th­ường xuyên cùng với chế độ luyện tập hợp lý là vô cùng cần thiết trong quá trình điều trị đái tháo đường. Để việc luyện tập đạt hiệu quả và an toàn nhất, ng­ười bệnh nên đ­ược h­ướng dẫn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa để có những hình thức hoạt động thể chất phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *