Cách xử lý tình trạng hạ đường huyết ở người đái tháo đường

3/5 - (1 bình chọn)

Việc kiểm soát đường huyết không tốt ở người đái tháo đường sẽ gây ra nhiều biến động về nồng độ đường trong máu. Ngoài việc có thể gây tăng lượng đường huyết thì người tiểu đường vẫn có thể gặp phải trường hợp hạ đường huyết hoặc mức đường trong máu bị hạ xuống quá thấp. Tình trạng hạ đường huyết ở người đái tháo đường xảy ra có thể gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của người bệnh. Vì vậy, người tiểu đường cần nắm rõ những cách điều trị, hướng giải quyết khi bị hạ đường huyết.

1. Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng giảm lượng đường (glucose) trong máu xuống dưới 70mg/dL, thấp hơn mức độ bình thường ở cơ thể con người. Trong cơ thể, đường glucose có vai trò nuôi dưỡng các tổ chức đảm bảo cho sự sống, là nguồn năng lượng quan trọng và cần thiết cho hệ thần kinh, tổ chức não bộ. Chính vì vậy, khi đường huyết giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các chức năng của cơ thể. Phần lớn tình trạng này xảy ra ở người bệnh đái tháo đường, nhất là những người có tình trạng bệnh nặng nhưng không kiểm soát đường huyết tốt.

Tìm hiểu về hạ đường huyết ở người đái tháo đường
Tìm hiểu về tình trạng hạ đường huyết

2. Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người tiểu đường

Hạ đường huyết là một cấp cứu nội khoa và là tình trạng nguy hiểm hơn cả tăng đường huyết. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng hạ đường huyết ở người tiểu đường? Trên thực tế cho thấy, hạ đường huyết ở người đái tháo đường xảy ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau:

– Do sử dụng insulin quá liều: Người bệnh tiểu đường không kiểm soát tốt lượng đường huyết trong máu dẫn đến việc phải sử dụng insulin quá mức cần thiết làm đường huyết hạ đột ngột.

– Hạ đường huyết do thuốc: Trong quá trình điều trị bệnh tiểu đường, một số loại thuốc có thể gây ra chứng hạ đường huyết. Những thuốc này có thể ở dạng uống như Metformin, Gliclazide, Glimepiride,…

– Do luyện tập quá sức, chế độ ăn uống kiêng khem quá mức: Người bệnh đái tháo đường nếu tập luyện gắng sức hoặc giảm khẩu phần ăn quá mức, có thể dẫn đến hạ đường huyết. Lùi giờ ăn cũng có thể gây hạ đường huyết ở người tiểu đường.

– Do sử dụng rượu: Uống rượu cũng là nguyên nhân gây hạ đường huyết bởi rượu làm ngăn cản quá trình tạo đường, làm mất hoặc lẫn lộn các triệu chứng cảnh báo hạ đường huyết. Nhất là khi uống nhiều rượu mà đi ngủ sẽ dễ xảy ra hạ đường huyết, gây nguy hiểm đến tính mạng.

3. Các triệu chứng của hạ đường huyết

Khi người tiểu đường bị hạ đường huyết, tùy theo mức độ nặng nhẹ mà các triệu chứng sẽ biểu hiện khác nhau. Các triệu chứng hạ đường huyết gồm có:

– Dấu hiệu chung là mệt đột ngột không rõ nguyên nhân, đau đầu, chóng mặt, lo âu, chân tay trở nên yếu, nặng nề.

– Đổ mồ hôi, run tay, hồi hộp đánh trống ngực, da xanh, cảm giác lạnh toàn thân

– Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp tâm thu, có cảm giác nặng ngực vùng tim

– Cảm giác đói cồn cào, nóng rát vùng dạ dày, hoa mắt, mức độ nặng hơn có thể co giật, tổn thương dây thần kinh, gây liệt, rối loạn cảm giác vận động

– Triệu chứng tâm thần, xảy ra khi hạ đường huyết nặng, người bệnh trở nên kích động, gặp ảo giác, ảo khứu.

– Hôn mê hạ đường huyết, đây là giai đoạn cuối và cũng là biến chứng nặng nhất của hạ đường huyết. Triệu chứng này thường sẽ xuất hiện sau những triệu chứng kể trên. Tuy nhiên, có những trường hợp xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ triệu chứng hạ đường huyết nào trước đó.

Biểu hiện hạ đường huyết ở người đái tháo đường
Đau đầu, chóng mặt là một trong những dấu hiệu đầu tiên của hạ đường huyết

4. Xử lý hạ đường huyết ở người đái tháo đường

4.1. Xử lý hạ đường huyết giai đoạn nhẹ

Ở giai đoạn này, người bệnh vẫn còn nhận thức. Nguyên tắc điều trị đối với tình trạng này là cần nhanh chóng đưa lượng đường huyết trở lại bình thường bằng cách bổ sung nhanh carbohydrate. Có thể cho người bệnh uống ngay một cốc nước đường, sữa có đường hoặc ăn kẹo, hoa quả nhiều đường. 

Sau khoảng 15 phút, người bệnh cần kiểm tra lại đường huyết và có thể bổ sung thêm nếu chỉ số đường huyết vẫn chưa về mức bình thường.

4.2. Xử lý hạ đường huyết giai đoạn nguy kịch

Trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng kèm các biểu hiện co giật, mất ý thức, hôn mê cần đưa người bệnh đến cơ sở ý tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu. Lưu ý tuyệt đối không được cho người bệnh ăn hoặc uống bất cứ thứ gì bởi lúc này người bệnh đã mất ý thức nên không có khả năng nuốt. Nếu cố cho người bệnh uống nước đường hay bất cứ thứ gì sẽ gây sặc đường hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.

Tóm lại, việc nhận biết các dấu hiệu của hạ đường huyết là hết sức quan trọng. Điều này giúp người bệnh phát hiện và điều trị kịp thời. Đồng thời, hạn chế tình trạng hạ đường huyết không nhận biết dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm như: co giật, hôn mê,… thậm chí gây tử vong. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên đo đường huyết thường xuyên tại nhà, dùng thuốc và tái khám đúng theo chỉ định của bác sĩ.

Hy vọng những thông tin khoa học mà Diasomalt cung cấp sẽ phần nào giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng hạ đường huyết ở người đái tháo đường để từ đó có cách xử lý phù hợp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *