Trái cây là một nhóm thực phẩm tốt đối với sức khỏe người bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, nhiều người vẫn lầm tưởng việc ăn trái cây sẽ làm tăng lượng đường huyết nên đã loại bỏ thực phẩm này khỏi chế độ dinh dưỡng. Nếu bạn bổ sung đúng loại trái cây thì sẽ rất tốt trong việc cải thiện tình trạng bệnh và bổ sung vitamin, các dưỡng chất khác cho cơ thể. Vậy, bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì tốt cho sức khỏe?
1. Nguyên tắc lựa chọn trái cây cho người bệnh đái tháo đường
Đối với người bệnh đái tháo đường, việc tuân thủ theo chế độ dinh dưỡng phù hợp là vô cùng quan trọng. Trong việc lựa chọn trái cây cũng vậy, người bệnh cần tuân theo một số nguyên tắc sau:
– Chú ý tới chỉ số đường huyết (GI) có trong loại trái cây bạn muốn sử dụng. Chỉ số GI nằm trong khoảng 0-55 là phù hợp với người bệnh đái tháo đường.
– Chú ý tới lượng carbohydrate (carb) của trái cây, người bệnh đái tháo đường nên chọn khẩu phần ăn chứa khoảng 15g carbohydrate là phù hợp. Mặc dù carbohydrate là nguồn năng lượng chính của cơ thể nhưng trong quá trình chuyển hóa nó có thể bị chuyển hóa thành đường gây mất cân bằng đường huyết cơ thể. Theo khuyến cáo, người bệnh đái tháo đường không nên ăn quá 200g carbohydrate mỗi ngày.
2. Bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì tốt cho sức khỏe?
Dưới đây là một số trái cây nằm trong danh sách “Bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì?” có chứa nhiều chất xơ hòa tan và chỉ số đường huyết (GI) thấp phù hợp với người bệnh đái tháo đường.
2.1. Trái cây có múi
Nằm ở vị trí đầu tiên trong danh sách những loại trái cây tốt cho người bệnh đái tháo đường chính là các loại trái cây có múi. Các loại trái cây này thường có màu sắc bắt mắt, hương vị thanh mát thơm ngon là sự lựa chọn hoàn hảo cho người bệnh đái tháo đường.
– Bưởi: đây là loại quả có đến 91% là nước, có chỉ số đường huyết (GI) là 25 và là một trong những trái cây chứa ít Calo nhưng rất giàu vitamin C chống oxy hóa. Cụ thể, trong ½ quả bưởi cỡ trung bình sẽ chừa khoảng 52 Calo, 13g Carbohydrate và 2g chất xơ. Ngoài ra, bưởi chứa một hợp chất có tên naringenin mang vị đắng tự nhiên giúp tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin. Bạn có thể bổ sung ½ trái bưởi mỗi ngày, chia thành 2 lần và mỗi lần khoảng 2 múi.
– Cam, quýt: đây là loại trái cây với đặc tính giàu chất xơ, ít đường và nhiều vitamin C, B1 có khả năng kiểm soát lượng đường huyết. Trong 1 quả cam cỡ trung bình có 87% là nước, chỉ số đường huyết là 44 ở mức thấp, chứa khoảng 69 Calo, 17g Carbohydrate và 3g chất xơ. Những điều này giúp làm chậm quá trình hấp thu đường, tránh tình trạng tăng đường huyết đột ngột sau ăn. Ngoài ra, rất nhiều loại vitamin như: vitamin A, C, Kali,… giúp tăng sức đề kháng, giảm ốm vặt với người bệnh.
2.2. Trái cây quả mọng
Vị trí thứ 2 trong danh sách câu trả lời cho câu hỏi “Bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì?” chính là nhóm trái cây quả mọng. Đây là nhóm trái cây cực kỳ phù hợp với người bệnh đái tháo đường với hương vị tươi ngon và lành tính. Nhóm trái cây này có hàm lượng Carbohydrate thấp và các hoạt chất chống oxy hóa ngăn cản sự tấn công của các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
– Dâu tây: dâu tây rất giàu vitamin C và Flavonoid giúp người bệnh đái tháo đường giảm nguy cơ biến chứng tim mạch. Đặc biệt, trong 100g dâu tây chỉ chứa khoảng 8g carbohydrate, chỉ số đường huyết khá thấp (GI=41) phù hợp với người bệnh đái tháo đường. Chỉ cần ăn gần 1 cốc dâu tây mỗi ngày sẽ rất tốt cho người bệnh.
– Anh đào (cherry): quả anh đào giàu các chất chống oxy hóa như polyphenol, vitamin C,… giúp làm giảm các phản ứng viêm trong cơ thể và ngăn ngừa bệnh tim mạch,… Đặc biệt, anh đào cực kỳ có lợi cho bệnh đái tháo đường nhờ chỉ số đường huyết thấp (GI=22) và giàu chất xơ. Mỗi ngày, bạn có thể bổ sung 1 cốc quả anh đào tươi sẽ rất tốt trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường.
– Việt quất: Đây là loại quả chứa lượng lớn chất xơ, Flavonoids và Anthocyanins…có lợi cho hệ tim mạch và làm giảm các biến chứng bệnh đái tháo đường tuýp 2. Việt quất có chỉ số đường huyết thấp (GI=53), trong ½ cốc việt quất chứa 42 calo, 11g carbohydrate. Nhờ vậy, khi ăn loại quả này, lượng glucose sẽ được giải phóng từ từ vào máu giúp đường huyết ổn định.
2.3. Quả táo
Táo là một loại trái cây rất lành tính, có chỉ số đường huyết ở mức thấp (GI=38) và giàu vitamin C. Vì vậy, khi ăn táo sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, hạ nồng độ cholesterol trong máu. Ngoài ra, chất xơ hòa tan cùng Pectin giúp đào thải độc tố ra khỏi cơ thể và làm giảm nhu cầu insulin. Người bệnh nên ăn 1 quả táo mỗi ngày và chia hành nhiều lần ăn, mỗi lần chỉ ăn khoảng ¼ – ½ quả..
2.4. Quả lê
Trong một quả lê có đến 84% là nước, hàm lượng chất xơ lên đến 5,5g. Điều này giúp điều hòa quá trình tiêu hóa và giảm nguy cơ táo bón ở người cao tuổi bị đái tháo đường. Ngoài ra, chỉ số đường huyết của lê chỉ bằng 38 không gây ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Người bệnh đái tháo đường có thể ăn một quả lê nhỏ mỗi ngày để bổ sung chất xơ cho cơ thể và giảm cảm giác thèm ăn.
2.5. Mận hậu
Với hàm lượng 30 calo và 8g carbohydrate, mận hậu xứng đáng nằm trong danh sách những trái cây tốt cho bệnh tiểu đường. Mận chứa hàm lượng không nhỏ các loại vitamin và nguồn chất xơ phong phú giúp tăng cường sức khỏe người bệnh. Ngoài ra, mận hậu còn chứa rất nhiều chất chống oxy hóa giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch ở người tiểu đường.
2.6. Quả trâm
Đây là loại quả khá xa lạ với nhiều người tuy nhiên nó lại là một trong những trái cây rất tốt cho sức khỏe người bệnh đái tháo đường. Quả trâm có chỉ số đường huyết thấp (GI=25). Nó được coi là một loại thảo dược hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường và cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể.
2.7. Quả đào
Có 2 loại đào được sử dụng phổ biến cho người bệnh tiểu đường đó là đào thường và xuân đào. Với đào thường, đây là loại quả có chỉ số đường huyết thấp (GI=28) và cực kỳ giàu vitamin. Còn xuân đào, đây cũng là họ nhà đào nhưng ít phổ biến hơn. Xuân Đào có chỉ số GI cũng ở mức thấp (GI=30), giàu Vitamin và chất xơ. Hàm lượng lớn chất xơ lớn giúp làm chậm quá trình trao đổi chất, ngăn ngừa đường huyết tăng đột ngột sau ăn.
2.8. Quả ổi
Ổi là loại trái cây cung cấp nhiều Vitamin C nhất cho cơ thể và cũng là một trong những loại trái cây rất tốt cho bệnh đái tháo đường. Trong 100g ổi chứa 200mg Vitamin C, 40 – 56 Calo và ít hơn 10g Carbohydrate. Chỉ số đường huyết GI trong khoảng 12 – 24 rất thấp trong nhóm các loại quả.
Ngoài ra, vỏ ổi có thể làm giảm cholesterol xấu (LDL), cholesterol toàn phần và tăng lượng cholesterol tốt (HDL). Từ đó, đẩy lùi nguy cơ biến chứng về tim mạch và ổn định lượng đường huyết trong cơ thể.
3. Lưu ý khi ăn trái cây ở người đái tháo đường
Các loại trái cây được nêu trên mặc dù rất tốt cho người bệnh tiểu đường nhưng nếu không được ăn đúng cách có thể gây hại cho cơ thể. Dưới đây là một số lưu ý khi ăn trái cây dành cho người đái tháo đường:
– Không nên dùng nhiều nước ép trái cây: khác với trái cây nguyên quả, nước ép trái cây chứa nhiều đường và ít chất xơ. Hơn nữa, đường trong nước ép trái cây chủ yếu là đường Fructose làm tăng nguy cơ bị béo phì và tim mạch ở người bệnh tiểu đường.
– Dùng trái cây ở dạng tự nhiên: không nên sử dụng trái cây kèm thêm đường, siro, mật ong hoặc trái cây sấy khô… Bởi chúng có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu sau khi ăn. Hạn chế sử dụng những loại hoa quả khô, đóng hộp.
– Thời gian lý tưởng ăn trái cây: nên ăn trái cây vào khoảng 11 giờ sáng hoặc vào 5 giờ chiều. Ăn trái cây sau bữa ăn chính ít nhất là 2 giờ. Vì lúc này ăn trái cây sẽ không làm được huyết của người bệnh tăng lên đột ngột.
Trên đây là những thông tin giúp người đọc có thể trả lời được câu hỏi bệnh tiểu đường nên ăn trái cây gì tốt cho sức khỏe. Hy vọng những thông tin mà Diasomalt cung cấp sẽ giúp ích cho bạn trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường.