7 loại trái cây người bệnh đái tháo đường nên hạn chế

Đánh giá bài viết

Trên thực tế, người bệnh đái tháo đường không bắt buộc phải kiêng bất kỳ một loại trái cây nào. Chỉ có một số loại trái cây người bệnh cần hạn chế và chú ý về khẩu phần khi nạp vào cơ thể. Bởi trong một số loại quả đó có chỉ số đường huyết (GI) cao và những lý do khác liên quan đến sức khỏe người bệnh tiểu đường cần lưu ý. Cùng Diasomalt tìm hiểu những loại trái cây mà người bệnh đái tháo đường nên hạn chế là gì nhé!

1. Thế nào là bệnh đái tháo đường?

Bệnh đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến cách cơ thể chuyển hóa thức ăn thành năng lượng. Đó là tình trạng rối loạn chuyển hóa không đồng nhất, có đặc điểm tăng glucose do khiếm khuyết insulin hoặc giảm chức năng của insulin hoặc cả hai. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Lâu dần, vấn đề này có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như bệnh tim, bệnh thận,…

Một số triệu chứng chung của bệnh đái tháo đường như: đi tiểu nhiều, khát nước liên tục, giảm cân đột ngột, luôn thấy đói bụng, thị lực giảm, mệt mỏi, da khô,… Các triệu chứng này thường không rõ ràng và khó phát hiện bệnh. 

2. Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế những loại trái cây nào?

Trái cây là một loại thực phẩm giàu chất xơ, vitamin và khoáng chất rất có lợi đối với sức khỏe bệnh nhân đái tháo đường. Tuy nhiên, vẫn có một số loại trái cây có chỉ số đường huyết cao, lượng đường lớn mà người bệnh tiểu đường nên hạn chế tiêu thụ. Dưới đây là 7 loại quả người bệnh tiểu đường nên chú ý và hạn chế ăn.

2.1. Sầu riêng

Sầu riêng có chỉ số đường huyết thấp (GI=49) nhưng lại có lượng đường rất cao. Cụ thể, trong 100g sầu riêng cung cấp đến 27g đường, số lượng này nhiều gấp 2-3 lần so với các loại quả khác. Nếu tiêu thụ lượng lớn sầu riêng người bệnh tiểu đường có thể đối mặt với nguy cơ tăng đường huyết.

Tuy nhiên, trong sầu riêng có chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Điển hình phải kể đến như chất béo không bão hòa đơn, Kali, vitamin nhóm B,… Những dưỡng chất này có thể làm giảm lượng cholesterol xấu và kiểm soát huyết áp, tăng miễn dịch người bệnh tiểu đường.

Nếu bạn là một người thích ăn sầu riêng mà lại bị tiểu đường thì chỉ nên ăn khoảng ½ múi trong 1 ngày. Lưu ý, không nên ăn sầu riêng liên tiếp trong nhiều ngày để đảm bảo không ảnh hưởng đến lượng glucose trong máu.

Sầu riêng là một trong những loại trái cây người bệnh đái tháo đường nên hạn chế dùng
Sầu riêng sở hữu hàm lượng carbohydrate cao ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết người tiểu đường

2.2. Mít

Cũng giống như sầu riêng, mít là một trong những loại trái cây có hàm lượng đường cao mà người bệnh đái tháo đường cần hạn chế. Đây là loại quả tiềm ẩn nguy cơ gây thừa cân, béo phì. Hơn thế nữa, chỉ số đường huyết của loại trái cây này ở mức trung bình (GI khoảng 50-60) có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh tiểu đường. Do đó, người tiểu đường nên hạn chế ăn mít để tránh tăng cân mất kiểm soát và ảnh hưởng đến chỉ số đường huyết.

2.3. Xoài chín

Trong 100g xoài chín có tới 14g đường, điều này làm tăng rủi ro tăng lượng đường huyết ở người đái tháo đường. Đường có trong xoài chín chủ yếu tồn tại dưới hai dạng là glucose và fructose, không có lợi cho sức khỏe người bệnh tiểu đường. Bởi đường glucose trực tiếp hấp thụ vào máu gây tăng đường huyết. Còn đường fructose có thể ức chế cơ thể giải phóng leptin – một loại hormone kích thích cảm giác thèm ăn. Từ đó, cơ thể có xu hướng gia tăng việc nạp năng lượng và calo dẫn đến tăng nguy cơ thừa cân, béo phì.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người bệnh cần giới hạn khẩu phần ăn xoài chín ở mức dưới 50g/ lần ăn trong thực đơn hàng ngày. Lưu ý rằng, người bệnh nên ăn vào bữa phụ, cách xa bữa chính để đảm bảo không ảnh hưởng đến lượng đường huyết.

Xoài chín là một trong những loại trái cây người bệnh đái tháo đường nên hạn chế dùng
Người tiểu đường không nên tiêu thụ quá nhiều xoài chín trong một ngày

2.4. Dứa chín

Dứa là loại trái cây có thành phần dinh dưỡng rất đa dạng, chứa vitamin C, chất xơ, Kali, Photpho,…Tuy nhiên, loại quả này lại có chỉ số đường huyết cao (GI=66) cùng lượng đường khá lớn có nguy cơ ảnh hưởng đến đường huyết trong cơ thể người tiểu đường. Người bệnh cần kiểm soát chặt chẽ khẩu phần ăn dứa chín trong thực đơn của mình. Chỉ nên ăn một lát dứa mỏng, không nên ăn dứa ở dạng sấy khô hoặc nước ép. Bởi đây là 2 dạng chế biến khiến lượng đường tăng nhiều và giảm lượng chất xơ. 

2.5. Chuối chín

Chuối chín, đặc biệt là những quả chín kỹ có hàm lượng đường rất cao. Người bệnh đái tháo đường nên hạn chế sử dụng hoặc tốt nhất là không nên sử dụng để tránh lượng đường huyết tăng đột ngột. Trong trường hợp người bệnh vẫn muốn ăn thì chỉ nên ăn một quả nhỏ và không ăn ngay sau bữa chính. Có thể sử dụng làm bữa phụ và ăn kèm với sữa chua không đường để làm giảm quá trình hấp thu đường của cơ thể.

2.6. Vải thiều, nhãn

Vải thiều và nhãn đều là những loại quả có ít chất xơ nhưng lại có hàm lượng đường cao. Vì thế, nếu tiêu thụ nhiều vải và nhãn cùng một lúc sẽ khiến lượng đường hấp thu vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan. Điều này dẫn đến lượng đường huyết tăng nhanh chóng.

Nếu người tiểu đường muốn sử dụng vải thiều và nhãn thì chỉ nên ăn khoảng 2 – 3 quả/ ngày. Tốt nhất là nên ăn vào bữa phụ, cách bữa ăn chính khoảng 2 – 3 tiếng và tuyệt đối không ăn lúc đói.

Vải thiều và nhãn là một trong những loại trái cây người bệnh đái tháo đường nên hạn chế dùng
Vải thiều có lượng đường cao, không tốt cho sức khỏe người tiểu đường

2.7. Dưa hấu

Người tiểu đường nên hạn chế ăn dưa hấu, bởi đây là loại trái cây có chỉ số đường huyết ở mức cao (GI>70). Điều này gây nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu ở người bệnh đái tháo đường. 

Mặc dù có chỉ số đường huyết cao, nhưng dưa hấu lại mang đến cho sức khỏe nhiều lợi ích khác. Trong dưa hấu có chứa vitamin A, vitamin B1, B6, Kali, Magie, Canxi rất tốt cho cơ thể người bệnh. Ngoài ra, dưa hấu còn có một hoạt chất chống oxy hóa có tên Lycopene được chứng minh có khả năng làm tăng độ nhạy cảm của insulin trong cơ thể. 

Tuy cần hạn chế ăn dưa hấu, nhưng người tiểu đường có thể tiêu thụ một lượng nhỏ trong ngày, khoảng 1-2 miếng dưa mỏng. Cần lưu ý, người bệnh chỉ ăn dưa hấu ở dạng nguyên miếng, không dùng dưới dạng nước ép và không ăn ngay sau bữa ăn. 

Nhìn chung, người bệnh tiểu đường không nên ăn quá nhiều những trái cây có chứa nhiều đường hoặc tinh bột. Trên đây là thông tin về 7 loại trái cây mà người bệnh đái tháo đường nên hạn chế. Hy vọng qua bài viết này các bạn đã có cho mình những thông tin hữu ích.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *